Để kết nối các chi tiết của sản phẩm hoặc gia công các mép ngoài của chi tiết thường sử dụng mối liên kết chỉ hay liên kết keo, trong đó mối liên kết chỉ thông dụng hơn cả. Đường may bằng chỉ may là sự tập hợp của nhiều mũi may, được thực hiện liên tục và nối tiếp, có thể tồn tại độc lập hoặc có thể là sự kết hợp của nhiều đường may tại cùng 1 vị trí. Nhiều đường may có cùng cấu tạo nhưng công dụng lại khác nhau. Sau đây tôi xin giới thiệu kiến thức về đường may trong may mặc, bao gồm phân loại đường may, ký hiệu đường may, các ứng dụng của chúng trong ngành may mặc và những lỗi thường gặp khi sữ dụng những loại đường may này lên vả.
Hình 1.94: Đường may mũi thắt nút
1/ PHÂN LOẠI
A. Phân loại đường may theo tiêu chuẩn của Mỹ (ASTM D 6193-97)
Sự phân loại đường may theo nguyên lý tạo mũi may được xây dựng có tính chất lý thuyết. Khi ứng dụng các kiểu đường may vào quá trình sản xuất trang phục, người ta quan tâm đến công dụng của các kiểu đường may. Ngoài cách phân loại đường may theo chức năng khi thực hiện liên kết, các nước trên thế giới như Đức, Nhật, Anh, Mỹ… tồn tại nhiều hệ thống tiêu chuẩn quy định về cách phân loại đường may áp dụng cho may công nghiệp. Trong nội dung này sẽ giới thiệu tiêu chuẩn ASTM D 6193-97 (American Society for Testing and Material). Đây là hệ tiêu chuẩn cho đường may được ra đời và áp dụng tại Mỹ. Hệ tiêu chuẩn này quy định có 6 họ đường may áp dụng trong sản xuất may công nghiệp. Theo cách phân loại này thì các kiểu đường may trong cùng 1 họ có thể nguyên lý tạo mũi khác nhau nhưng chúng được sử dụng để đáp ứng 1 yêu cầu chung khi gia công. Các họ đường may này gồm:
- Họ đường may SS (đường may nối kết)
*Họ đường may này được dùng rất nhiều trong sản xuất hàng may mặc. Họ đường may tập trung các kiểu đường may để liên kết chi tiết theo hình thức cơ bản nhất để tạo nên trang phục. Trong công nghiệp dệt, các đường may nối kết được ứng dụng trên máy lockstitch, overlock.
*Các đường may thuộc họ SS sử dụng liên kết hai hay nhiều chi tiết. Đặc điểm chung cơ bản của các đường may này là mép của các chi tiết tại vị trí may phải đươc chồng khít lên nhau. Khoảng cách từ mép chi tiết đến đường may phải đồng đều suốt theo chiều dài đường may. Khi thực hiện các kiểu đường may của họ SS, ta tiến hành đặt hai hay nhiều lớp vải lại với nhau, kiểm tra sự chồng khít về mép chi tiết tại vị trí cần may và thực hiện đường may.
*Sử dụng các kiểu đường may của họ SS để ráp nối các mảnh chi tiết trên trang phục: đường sườn tay, thân áo, quần, đầm… Các kiểu đường may thuộc họ này thường được may với mũi thắt nút, móc xích và vắt sổ.
Hình 1.95: Họ đường may SS
- Họ đường may LS (đường may táp)
*Họ đường may này bao gồm các kiểu đường may mà mép chi tiết thể hiện đồng đều dọc theo chiều dài đường may hoặc được giấu kín theo chiều dài đường may trong quá trình gia công. Điểm khác biệt của kiểu đường may họ LS với kiểu đường may họ SS khi thể hiện mép chi tiết lộ theo chiều dài đường may là: trong họ SS thì mép chi tiết nằm về 1 bên của đường may và trong họ LS thì mép chi tiết nằm ở hai bên của đường may. Kiều đường may này được dùng nhiều trong sản xuất trang phục từ hàng da(leather), hàng vải thô (sideseam), hàng jeans…
*Khi thực hiện các kiểu đường may của họ LS, ta tiến hành đặt hai hay nhiều lớp vải lại với nhau. Các chi tiết có mép đặt so le với nhau hay chi tiết gấp mép (hoặc chưa gấp mép) đặt lên chi tiết khác tại vị trí thực hiện đường may.
*Trong các công đoạn gia công thì những kiểu đường may này thường dùng để gia công nẹp cho chi tiết thân trước áo, tra các dạng túi đắp, may nối các chi tiết của các sản phẩm dùng trong sinh hoạt như dra giường, áo gối, rèm cửa… Kiểu đường may này không thực hiện đươc trên các máy may vắt sổ.
Hình 1.96: Họ đường may LS
Họ đường may BS (đường may viền):
*Họ đường may bao gồm các kiểu đường may được sử dụng để may bọc mép các chi tiết chính bằng cách sử dụng chi tiết phụ. Thực hiện các kiểu đường may thuộc họ BS, ta tiến hành đồng thời các hoạt động gấp mép chi tiết phụ và may chi tiết phụ vào chi tiết chính. Để có thể kiểm soát việc gấp mép chi tiết phụ trong quá trình may, người ta sử dụng các loại cữ cuốn.
*Tiến hành may các kiểu đường may thuộc họ BS, người ta sử dụng 1 chi tiết có dạng dải. Dải dây được cắt từ nguyên liệu chính hoặc dây dệt (dây tape) để may viền xung quanh chi tiết chính.
*Sử dụng đường may thuộc họ BS để bọc mép cạnh của chi tiết trên sản phẩm gia công. Đường may sử dụng các nguyên lý tạo mũi cơ bản là: mũi thắt nút, mũi móc xích kép và chần diễu.
Hình 1.97: Họ đường may BS
- Họ đường may FS (đường may phẳng):
*Các đường may thuộc họ FS bao gồm các kiểu đường may mà mép chi tiết hay mép vật liệu trong quá trình gia công không đặt chồng lên nhau mà chỉ đặt tiếp giáp nhau. Để thực hiện liên kết cho chi tiết theo cách đặt này, người ta phải sử dụng các đường may có khả năng kết nối chi tiết vơi các mũi may nằm trên cả hai bề mặt chi tiết. Các mũi may liên kết với nhau để tạo đường may và thực hiện việc kết nối chi tiết trên bề mặt phẳng.
*Tiến hành may các kiểu đường may thuộc họ FS, ta phải đặt các chi tiết liền kề với nhau (không đặt chồng lên nhau). Thực hiện đường may chạy trên bề mặt chi tiết tại điểm tiếp giáp.
*Trong thực tế, để thực hiện các đường may thuộc họ FS, người ta sử dụng họ mũi may chần diễu để may kết nối hai cạnh mép vải. Do bề mặt đường may của các đường may thuộc họ chần diễu được đan lưới và phẳng nếp hoàn toàn phù hợp với yêu cầu ráp nối chi tiết theo cách xếp đặt đã mô tả. Các kiểu đường may thuộc nhóm FS thích hợp trong sản xuất trang phục lót và các mặt hàng từ da và giả da.
Hình 1.98: Họ đường may FS
- Họ đường may EF và OS (đường may trang trí):
*Điểm đặc biệt của các đường may thuộc họ này là chỉ thực hiện trên 1 chi tiết. Các kiểu đường may gồm cả hai dạng: EF (gấp mép) và OS (trang trí).
*Các kiểu đường may thuộc họ EF bao gồm các đường may được sử dụng để gia công hoàn tất cho mép chi tiết. Để gia công mép chi tiết mà không có chi tiết phụ, ta có thể quấn và may mép chi tiết với nhiều cách khác nhau. Ứng dụng của các kiểu đường may thuộc họ EF là để may hoàn tất các chi tiết ở các vị trí như lai áo, lai tay, lai quần…
*Các đường may thuộc họ OS có đặc điểm giống các kiểu đường may thuộc họ EF là cũng được thực hiện trên 1 chi tiết. Tuy nhiên, các kiểu đường may thuộc họ OS được sử dụng nhiều vào mục đích trang trí cho chi tiết. Khi thực hiện các kiểu đường may thuộc họ OS, có thể cần đến sự tham gia của các phụ liệu như dây gân. Các đường may thuộc họ OS được dừng trên chi tiết thân túi, thân áo hay váy. Các kiểu đường may này dùng trong việc thiết kế họa tiết túi sau của quần jan bởi các đường ly nổi, đường ống nổi có gân… hay thiết kế mảnh thân có họa tiết trang trí như nẹp, ply…
Hình 1.99: Họ đường may OS và EF
- Theo tiêu chuẩn châu Âu ISO 4915 :1991: có 8 loại đường may được liệt kê cụ thể như sau:
- ©Nhóm 1000: may các chi tiết không gấp mép
- ©Nhóm 2000: may các chi tiết không gấp mép kèm với các chi tiết phụ như: lõi dây, nẹp viền, ribbon, ren…
- ©Nhóm 3000: may các chi tiết cần gấp mép
- ©Nhóm 4000: may các chi tiết gấp mép kèm với các các chi tiết phụ như: lõi dây, nẹp viền, ribbon, ren…
- © Nhóm 5000: may các chi tiết được bọc viền
- © Nhóm 6000: may các chi tiết được bọc viền kèm với các các chi tiết phụ như: lõi dây, nẹp viền, ribbon, ren, dây kéo…
- © Nhóm 7000: may các chi tiết dạng ống, dây
- © Nhóm 8000: may các chi tiết dạng ống, dây kèm với chi tiết khác
*Ghi chú về ký hiệu biểu diễn đường may:
*Mỗi đường may được ký hiệu bởi 1 con số gồm 4 chữ số. Chữ số đầu tiên cho biết về nhóm đường may. Chữ số thứ hai cho biết về số chi tiết đã được may. Chữ số thứ ba và thứ tư đặc trưng cho từng loại đường may riêng. Hai chữ số sau cùng được chia thành hai nhóm như sau:
- Nhóm từ 01 đến 49: có thể sản xuất trên máy may 1 hay nhiều kim
- Nhóm từ 50 đến 99: được sản xuất bằng máy nhiều kim.
*Mỗi loại đường may được biểu diễn bang 1 hình vẽ riêng. Đường vạch nối thẳng đứng giữa các mảnh chi tiết xác định vị trí tạo ra đường may. Ở các loại đường may trong các nhóm 2000, 4000, 6000 và 8000, các chi tiết được vẽ phủ chấm là các chi tiết phụ kèm theo.
Hình 1.100: Hình vẽ biểu diễn các loại đường may.
theo http://dinhhuytextile.com